Thứ Năm, 12/09/2024

Quá trình hình thành và phát triển

Hiến pháp năm 1959 quy định Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) là một hệ thống cơ quan trong bộ máy Nhà nước; ngày 26/7/1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 20 - L/CTN công bố Luật tổ chức VKSND.

Ngay từ khi được thành lập, ngành kiểm sát vừa hoạt động, vừa xây dựng và phát triển trên toàn miền Bắc. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, ngành kiểm sát tập trung phục vụ nhiệm vụ chính trị cải tạo XHCN, bảo vệ quyền tự do dân chủ của nhân dân. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, công tác kiểm sát kịp thời chuyển hướng  phục vụ các yêu cầu của thời chiến trên cả 2 mặt trận sản xuất và chiến đấu, góp phần bảo đảm sức chiến đấu của Quân đội và đời sống của nhân dân miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam.
         
Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, ngành kiểm sát được tổ chức trên phạm vi cả nước. Giai đoạn này, hoạt động kiểm sát đã góp phần xây dựng CNXH trên toàn quốc, giữ vững an ninh chính trị, củng cố trật tự an toàn xã hội; VKSND sử dụng quyền công tố trấn áp kiên quyết, mạnh mẽ bọn phản bội Tổ Quốc, các phần tử không chịu cải tạo và  các thế lực thù địch. VKSND các tỉnh phía Nam mới được thành lập, nhưng đã góp phần quan trọng trong công cuộc thực hiện chính sách cải tạo XHCN, coi việc bảo vệ quyền dân chủ của công dân là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để ổn định tình hình chính trị. 
         
Quán triệt quan điểm đổi mới của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, ngành kiểm sát đã có nhiều đổi mới về nhận thức, tổ chức cán bộ và chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật, góp phần đảm bảo pháp chế; công tác kiểm sát giải quyết án hình sự chú trọng việc đẩy nhanh tiến độ và chất lượng giải quyết án an ninh, trọng án trị an và án kinh tế phục vụ sự nghiệp đổi mới; đồng thời góp phần tích cực vào việc xây dựng pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật, phòng ngừa vi phạm, tội phạm. 
         
Để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của công tác, ngành kiểm sát đã chú trọng xây dựng về mọi mặt; hệ thống tổ chức bộ máy Viện kiểm sát ở 3 cấp được củng cố, tăng cường và đi vào hoạt động có nề nếp; cơ sở vật chất và mạng lưới thông tin của ngành từng bước được củng cố nhằm đáp ứng nhu cầu công tác, phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Vienẹ trưởng VKSND Tối cao; luôn chú trọng thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động để phát huy trí tuệ của tập thể và của từng cá nhân, đồng thời đảm bảo sự lãnh đạo chỉ đạo theo nguyên tắc tập trung thống nhất - đó là sự cụ thể hoá nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước ta.
         
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành kiểm sát đã sớm chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, người cán bộ kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.  Năm 1960, toàn ngành mới có 800 người; năm 1975, có gần 3.000 người; đến nay, đã có gần 11.000 người - với 5.961 người có trình độ Đại học Luật trở lên,  trong đó Thạc sỹ 110 người, Tiến sỹ 19 người. Đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên chiếm 72% tổng số cán bộ trong toàn ngành.

* Từ năm 1976 - 1989, địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện nay thuộc tỉnh Nghĩa Bình với 8 Viện KSND cấp huyện, thị; các đơn vị này đã đóng góp những thành tích đáng kể vào công tác kiểm sát của VKSND tỉnh Nghĩa Bình. Trong các cán bộ kiểm sát là con em Quảng Ngãi, có các đồng chí:Hoàng Thanh Trà, Trần Mãi, Nguyễn Thanh Tân, Vương Văn Lưu, Hồ Quang Tuấn từng giữ cương vị Lãnh đạo VKSND tỉnh Nghĩa Bình.
           
Ngày 04/7/1989 VKSND tối cao có quyết định số 83/QĐ thành lập Viện KSND tỉnh Quảng Ngãi. Lúc này, đội ngũ cán bộ có khoảng hơn 100 người với trình độ Cao đẳng kiểm sát và Đại học luật chiếm 16,8%. Được sự quan tâm của các cấp các ngành, của Viện KSND Tối cao, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và cố gắng nỗ lực của toàn ngành, qua16 năm xây dựng, đội ngũ cán bộ của ngành kiểm sát đã phát triển cả về chất và lượng, hệ thống tổ chức viện kiểm sát ở hai cấp ngày càng được kiện toàn và cũng cố; đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát có lập trường chính trị vững vàng, am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức trong sáng theo lời dạy của Bác Hồ : Mỗi cán bộ kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.