Thứ Bảy, 14/12/2024
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Tịnh và công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Tịnh, Liên ngành Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Tịnh đã thống nhất xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trên địa bàn huyện Sơn Tịnh.
Sau quá trình chuẩn bị, sáng ngày 25/11/2024, Liên ngành Viện kiểm sát nhân dân - Cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện Sơn Tịnh đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Tham dự Hội nghị ký kết có đồng chí Võ Thị Hồng Luyến – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Tịnh; đồng chí Nguyễn Văn Đồng – Thường vụ Huyện uỷ, Trưởng Công an huyện, Thủ trưởng Cơ quan Điều tra Công an huyện Sơn Tịnh; đồng chí Nguyễn Mậu Đông – Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra Công an huyện Sơn Tịnh; Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Tịnh; trưởng Công an xã trên địa bàn huyện Sơn Tịnh và các Điều tra viên thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Tịnh.
Tại Hội nghị, lãnh đạo liên ngành đã đánh giá kết quả công tác phối hợp giữa hai đơn vị về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong thời gian qua được thực hiện tốt, chất lượng giải quyết nguồn tin về tội phạm ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên trên thực tế thực hiện nhiệm vụ vẫn còn gặp một số vướng mắc trong quá trình phối hợp, như: Đối với những trường hợp Bộ luật tố tụng hình sự không quy định có Kiểm sát viên tham gia để thực hiện kiểm sát nhưng Điều tra viên thấy cần có Kiểm sát viên tham gia ngay từ đầu thì thực hiện theo quy trình nào? Trong quá trình Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp nhận, phân loại nguồn tin, có những nguồn tin có vướng mắc, có nên thụ lý nguồn tin hay không thụ lý thì cần thống nhất như thế nào? Việc VKS thực hiện kiểm sát trực tiếp tại Công an xã được thực hiên như thế nào… Và những nội dung vướng mắc, khó khăn này đã được giải quyết trong Quy chế phối hợp.
Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm 03 chương, 18 Điều; Quy định về phạm vi, đối tượng áp dụng, mục đích, nguyên tắc, phương pháp phối hợp trong việc tiếp nhận, kiểm tra, xác minh giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và một số nội dung cần phối hợp trên thực tiễn tại địa phương.
Sau khi thảo luận, thống nhất ý kiến giữa hai cơ quan, Quy chế phối hợp được ký kết và có hiệu lực kể từ ngày 25/11/2024.
Việc ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là hết sức cần thiết. Qua đó sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đồng thời, tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là kiểm sát việc tiếp nhận, xử lý thông tin ban đầu của Công an cấp xã; bảo đảm mọi hành vi phạm tội và người phạm tội đều được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Sơn Tịnh.
Đặng Đức Hậu