Trao đổi về người có chức vụ quyền hạn
Thứ hai - 28/07/2014 10:01
Qua tội danh của ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng ACB cần có hướng dẫn về “người có chức vụ, quyền hạn” trong bộ Luật hình sự 1999.
Vụ án “ Cố ý làm trái các qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” ( Điều 165 BLHS) xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ngân hàng ACB); các bị can bị khởi tố bao gồm Trần Xuân Giá (nguyên chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng ACB) Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải , Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ là những người nằm trong hội đồng quản trị của (ngân hàng ACB) đã thống nhất ủy thác cho nhân viên đi gửi 718 tỷ đồng tại VietinBank và bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ VietinBank chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh) chiếm đoạt.
Cấu thành cơ bản của tội “Cố ý làm trái các qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, là “ Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng…”.
Chủ thể của tội này là “ Người có chức vụ, quyền hạn”.
Vậy như thế nào là “Người có chức vụ, quyền hạn” ?
Tại điều 277 BLHS 1999 nêu khái niệm tội phạm về chức vụ: “ Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan , tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ.
Người có chức vụ nói trên đây là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.”
Tại khoản 3 Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 qui định “Người có chức vụ, quyền hạn” bao gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân ;
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước; cán bộ lãnh đạo quản lý là người đại diện phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp;
- Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Ông Trần Xuân Giá là cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu tham gia vào hội đồng quản trị ngân hàng ACB với tư cách là một thành viên độc lập không phải là “ Người có chức vụ, quyền hạn” như qui định tại điều 277 BLHS và khoản 3 điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng; Ngân hàng ACB cũng không phải là công ty có cổ phần chi phối của nhà nước.
Tương tự như ông Trần Xuân Giá; có một số giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần hoàn toàn không có cổ phần nhà nước đã bị khởi tố tội “Cố ý làm trái các qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong quá trình thụ lý các cơ quan tố tụng có hai quan điểm khác nhau về chủ thể “Người có chức vụ, quyền hạn” của tội này.
Quan điểm thứ nhất: Trong Bộ luật hình sự khái niệm “ Người có chức vụ” (qui định tại Điều 277 BLHS không có từ “Quyền hạn”, nhưng cụm từ “Quyền hạn” phải gắn với chức vụ; điều này đã được mở rộng tại khoản 3 Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng) phải được áp dụng thống nhất cho các tội danh trong Bộ luật hình sự không thể cùng một khái niệm mà hiểu ở các tội danh khác nhau, do vậy những người theo quan điểm này cho rằng tội “Cố ý làm trái các qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” chủ thể phải là “Người có chức vụ, quyền hạn” được qui định tại điều 277 BLHS và được mở rộng tại khoản 3 Điều 1 Luật phòng chống tham nhũng, thì mới phạm tội.
Quan điểm thứ hai: Cụm từ “Người có chức vụ, quyền hạn” được qui định tại Điều 165 BLHS về tội “Cố ý làm trái các qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” cũng như qui định tại 30 Điều luật khác trong BLHS không nằm trong chương XXI, mà có nội hàm rộng hơn qui định tại Điều 277 BLHS và khoản 3 Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng.
Riêng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi tội “Cố ý làm trái các qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là tội phạm nằm ở Chương XVI của Bộ luật hình sự, qui định về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Vì vậy, liên ngành Trung ương cần phải có hướng dẫn về “Người có chức vụ, quyền hạn” ở một số tội không nằm trong chương XXI (các tội phạm về chức vụ) và giới hạn của nó đến đâu, tránh hiểu lầm và quá rộng; ví dụ: Chủ tịch hội chim, cá cảnh… có phải là “Người có chức vụ, quyền hạn” hay không, để các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương áp dụng thống nhất.
Mong nhận được sự trao đổi của các độc giả!
Tác giả bài viết: Trần Hoàng Anh- Phòng 2 Viện KSND tỉnh Quảng Ngãi