Thời hiệu khởi kiện được quy định trong Luật tố tụng hành chính năm 2015 và đã được giải đáp của Toà án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, trong thực tiễn kiểm sát giải quyết vụ án hành chính vẫn còn những quan điểm khác nhau về thời hiệu. Để tiện cho việc trao đổi nghiệp vụ, tác giả tóm tắt nội dung vụ việc như sau:
Năm 2009, thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24, UBND xã T xác nhận nguồn gốc đất: hộ bà D mượn tạm sử dụng trồng hoa màu. Trên cơ sở nguồn gốc đất, UBND huyện A đã bồi thường, hỗ trợ cho hộ bà D số tiền 3.000.000 đồng (thời điểm bồi thường, hỗ trợ hộ bà D gồm 04 khẩu: T, H, C, D đã trên 18 tuổi, riêng bà T đi làm ăn xa không có mặt tại địa phương). Bà D đại diện chủ hộ nhận đủ tiền năm 2010 và không có khiếu nại, kiếu kiện. Đến năm 2020 (sau 10 năm kể từ khi UBND xã T xác nhận nguồn gốc đất cho bà D), Bà Nguyễn Thị T làm ăn xa trở về mới biết được việc xác nhận và khởi kiện vụ án hành chính, cho rằng việc UBND xã T xác nhận nguồn gốc thửa đất là không đúng xâm phạm đến quyền lợi của gia đình bà, nên khởi kiện yêu cầu Tuyên bố hành vi xác nhận của UBND xã T là trái pháp luật.
Thời hiệu khởi kiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 Luật tố tụng hành chính năm 2015, như sau:
“a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỹ luật buộc thôi việc”.Nội dung vụ việc nêu trên, hiện nay có hai quan điểm trái ngược nhau:Quan điểm thứ nhất: Hành vi xác nhận nguồn gốc đất của UBND xã T là hành vi hành chính bị kiện vì đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân bà Nguyễn Thị T theo khoản 3 Điều 3 Luật tố tụng hành chính quy định
“Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”. Mặc dù hành vi đã xảy ra hơn 10 năm nhưng bà Nguyễn Thị T không biết được, khi biết được và khởi kiện thì vẫn còn thời hiệu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 Luật tố tụng hành chính.
Quan điểm thứ hai: Việc khởi kiện của bà Nguyễn Thị T đã hết thời hiệu khởi kiện, với những lý do năm 2010, bà D đại diện cho chủ hộ nhưng sau khi có xác nhận nguồn gốc đất bà D là chủ hộ là người đại diện cho các con trong đó có bà Nguyễn Thị T không có khiếu nại, khởi kiện. Khoản 29 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 quy định:
“Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất cùng tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Hơn nữa về trách nhiệm của chủ hộ là người chịu trách nhiệm trước nhà nước đối với việc sử dụng đất được quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật đất đai năm 2013: “
Chủ hộ gia đình đối với việc sử dụng đất của hộ gia đình”. Theo quy định trên thì bà D đã đại diện cho hộ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ là phù hợp với luật đất đai; bà Nguyễn Thị T khởi kiện cho rằng hiện nay mới biết được và khởi kiện. Tuy nhiên, việc xác định thời hiệu trong vụ việc này được xác định sau thời điểm UBND xã T xác nhận nguồn gốc đất cho bà D. Sau một năm mà không khởi kiện là hết thời hiệu theo quy định tại Điều 116 Luật tố tụng hành chính năm 2015.
Với quan điểm cá nhân tôi, thống nhất quan điểm thứ hai vì đại diện chủ hộ đã bao gồm các thành viên trong hộ, nên thời hiệu khởi kiện tính thời điểm UBND xã T xác nhận nguồn gốc đất cho bà D sau một năm mà không khởi kiện thì hết thời hiệu (nếu không có lý do trở ngại khách quan).
Rất mong sự trao đổi nghiệp vụ của bạn đọc./.
Lê Thị Kim Liên – Phòng 10.