22:41 ICT Thứ bảy, 30/09/2023
TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH!

Menu

THU VIEN DIEN TU
Chuyên đề sáng kiến
Án lệ
PBGDPL tỉnh
Trang công bố bản án Tòa án
Bộ pháp điển

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 106

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 105


Hôm nayHôm nay : 32402

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 947234

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 24851780

Tin tức » Tin ngành KSND »

Quang cao giua trang
Hoc tap HCM
Chúc mừng năm mới

Thực hiện phương châm “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Chất lượng, hiệu quả”, ngành Kiểm sát nhân dân quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017

Thứ năm - 19/01/2017 13:56
(Kiemsat.vn) Nhân dịp đón Xuân mới Đinh Dậu, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã có bài viết trên Tạp chí Kiểm sát về những định hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2017. Sau đây, kiemsat.vn xin trân trọng giới thiệu bài viết quan trọng này.

Năm 2016, trong không khí chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, ngành Kiểm sát nhân dân tiến hành triển khai sâu rộng Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và các nghị quyết của Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên tất cả các lĩnh vực công tác. Toàn Ngành đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm quy định tại các nghị quyết của Quốc hội(1). Ngay từ đầu năm, ngành Kiểm sát đã tập trung tổ chức các hội nghị tập huấn, quán triệt các đạo luật về tư pháp được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2015 dưới nhiều hình thức, quy mô, cấp độ, nhận được sự quan tâm lớn của các cấp ủy Đảng và sự tham gia rộng rãi của các cơ quan tư pháp; Công tác xây dựng thể chế tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các đạo luật mới và hoàn thiện hệ thống quy định của Ngành về các lĩnh vực công tác; Nhiệm vụ trọng tâm chống oan, sai đạt kết quả rõ rệt, tỷ lệ các trường hợp oan giảm mạnh(2), giải quyết dứt điểm một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng có đơn kêu oan; Tăng cường phối hợp để giải quyết dứt điểm nhiều vụ án trọng điểm về kinh tế, chức vụ và tham nhũng, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp; Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trên các lĩnh vực đã chú trọng đến chất lượng, hiệu quả của các kháng nghị, kiến nghị; Kiện toàn và ổn định tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, đặc biệt là các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Công tác quy hoạch cán bộ được đổi mới, thực hiện nghiêm túc việc thi tuyển công chức, các chức danh tư pháp, từng bước tăng cường cán bộ cho các Viện kiểm sát, đơn vị có nhiệm vụ tăng thêm; Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, kỷ cương, kỷ luật được chấn chỉnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm qua, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự ở một số nơi còn chưa chủ động, chặt chẽ, để xảy ra oan, sai; công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong các lĩnh vực dân sự, hành chính, thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu lực, hiệu quả chưa cao; quan hệ phối hợp trong một số công tác chưa làm tốt; năng lực, trình độ, bản lĩnh thực thi công lý của một bộ phận Kiểm sát viên, công chức còn hạn chế; kỷ cương, kỷ luật ở một số đơn vị chưa nghiêm, người đứng đầu chưa gương mẫu, còn để xảy ra mất đoàn kết trong nội bộ cơ quan, đơn vị.
Bước sang năm 2017, tình hình kinh tế – xã hội vẫn còn khó khăn, thách thức, an ninh chính trị, trật tự xã hội có mặt còn phức tạp, tình hình khu vực và thế giới diễn biến khó lường sẽ tác động không nhỏ đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân. Tội phạm liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn như tội phạm công nghệ cao, tội phạm ngân hàng, tội phạm môi trường hay tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia… xuất hiện ngày càng nhiều; số vụ việc dân sự, hành chính tăng nhanh, nhiều tranh chấp gay gắt, phức tạp, phát sinh nhiều vụ, việc có yếu tố nước ngoài sẽ đặt ra thách thức mới về biên chế, về năng lực, trình độ, bản lĩnh của đội ngũ Kiểm sát viên, công chức ngành Kiểm sát.
Năm 2017 cũng là năm Viện kiểm sát nhân dân sẽ triển khai thi hành sâu rộng nhiều quy định mới của pháp luật về tư pháp, thực hiện nhiều nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm mới. Trong khi đó, việc bảo đảm biên chế, số lượng chức danh tư pháp theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ mới gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về việc tinh giản biên chế; trình độ, năng lực của một số Kiểm sát viên, Điều tra viên còn chưa kịp đáp ứng. Bên cạnh đó, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc và các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với công chức ngành Kiểm sát còn chưa bảo đảm cho hoạt động nghiệp vụ và phù hợp với tính chất lao động đặc thù của Ngành.
Để phát huy ưu điểm, thành tích đã đạt được, khắc phục hạn chế, tồn tại, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, ngành Kiểm sát nhân dân cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: Một là, tích cực tham gia xây dựng và chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các đạo luật mới về tư pháp; Hai là, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong các lĩnh vực dân sự, hành chính, thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Viện kiểm sát nhân dân các cấp cần quán triệt phương châm “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Chất lượng, hiệu quả”, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, các giải pháp trọng tâm là:
Một là, đề cao trách nhiệm của Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, Thủ trưởng đơn vị; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ của Kiểm sát viên, Điều tra viên, công chức khác
Việc thực hiện phương châm “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Chất lượng, hiệu quả”, trước hết và trên hết gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, Thủ trưởng đơn vị phải đổi mới tư duy, phương pháp, tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; gương mẫu trong công việc, lối sống và thực hiện chuẩn mực đạo đức của người cán bộ Kiểm sát; luôn rèn luyện và khẳng định phẩm chất, bản lĩnh của người đứng đầu trong các quan hệ công tác quản lý và nghiệp vụ, trong và ngoài Ngành; đối với cấp dưới phải công bằng, khách quan, hợp tình, hợp lý; người đứng đầu phải trở thành trung tâm của khối đoàn kết trong tập thể lãnh đạo và toàn cơ quan, đơn vị và nếu để cơ quan đơn vị mình xảy ra mất đoàn kết nghiêm trọng thì người chịu trách nhiệm trước hết phải là thủ trưởng, người đứng đầu.
Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, Thủ trưởng đơn vị phải xác định được trọng tâm, trọng điểm công tác của cơ quan, đơn vị; xây dựng kế hoạch phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ triển khai; chủ động, sáng tạo, đề ra các giải pháp đột phá nhằm tạo chuyển biến rõ rệt trong các khâu công tác còn hạn chế, yếu kém; tăng cường chất lượng công tác tham mưu trong việc thực hiện các lĩnh vực công tác; lựa chọn và phân công cán bộ phù hợp với công việc; tổ chức việc tự đào tạo trong cơ quan, đơn vị thông qua phân công người có năng lực, trình độ, giàu kinh nghiệm kèm cặp công chức mới, trình độ, kinh nghiệm còn hạn chế; chú trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để kiểm tra và kịp thời điều chỉnh phương pháp, nội dung quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, Thủ trưởng đơn vị phải tăng cường quản lý nội bộ về mọi mặt, chủ động phòng ngừa vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng của công chức, viên chức, người lao động thuộc trách nhiệm quản lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong đơn vị; kịp thời nắm, xử lý thông tin về cán bộ vi phạm đạo đức công vụ, vi phạm pháp luật; cần nhắc nhở cảnh báo nhưng nếu chậm hoặc không khắc phục vi phạm sẽ xử lý nghiêm; trực tiếp chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm, yếu kém xảy ra tại đơn vị; không vì thành tích của cá nhân, đơn vị mà bao che, dung túng, xử lý nội bộ, không báo cáo Viện kiểm sát cấp trên về những thiếu sót, vi phạm xảy ra tại đơn vị mình quản lý.
Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên phải nắm chắc tình hình và quản lý chặt chẽ kết quả công tác của Viện kiểm sát cấp dưới; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để chỉ đạo tháo gỡ, khắc phục.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cần giữ mối quan hệ tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương; phát huy vai trò chủ động, tích cực trong quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan; kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền xử lý tốt các điểm “nóng”, các vụ khiếu kiện đông người, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Công chức, viên chức, người lao động của Viện kiểm sát nhân dân phải tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ các quy định của pháp luật, của Ngành về thi hành công vụ và đạo đức nghề nghiệp; chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị; không ngừng rèn luyện bản lĩnh, học tập để nâng cao trình độ, mở mang kiến thức; bảo đảm chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Hai là, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, Kiểm sát viên, Điều tra viên phải nắm vững các quy định của pháp luật, Viện kiểm sát các cấp cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chỉ thị chuyên đề về nghiệp vụ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chú trọng, chủ động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nhằm chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự; Tích cực đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra; Trực tiếp hỏi cung, phúc cung trước khi phê chuẩn, quyết định việc khởi tố, truy tố, khi bị can kêu oan hoặc vụ án có dấu hiệu oan, sai; Tăng cường trực tiếp kiểm sát; Kiểm sát chặt chẽ việc tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra vụ án, bị can; Tuyệt đối không để xảy ra việc giam, giữ quá hạn luật định; Nâng cao kỹ năng tranh tụng và chất lượng thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự; Tập trung giải quyết đơn kêu oan, các vụ án có dấu hiệu oan, sai. Trường hợp để xảy ra oan, sai nghiêm trọng, phải xử lý nghiêm trách nhiệm, trước hết của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, lãnh đạo phụ trách; không bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo quản lý, chức danh tư pháp và điều chuyển làm công tác khác đối với người vi phạm đã được chấn chỉnh nhưng không khắc phục.
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong các lĩnh vực dân sự, hành chính, thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần chú trọng nâng cao chất lượng kháng nghị, kiến nghị. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao chủ động, linh hoạt trong việc đề ra và tổ chức thực hiện các biện pháp giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tồn đọng; không để xảy ra trường hợp đơn hết thời hạn kháng nghị không được giải quyết; hạn chế thấp nhất trường hợp đã trả lời không kháng nghị nhưng sau đó lại quyết định kháng nghị. Viện kiểm sát các cấp phải bảo đảm chắc chắn việc kháng nghị, kiến nghị là có căn cứ và đúng pháp luật; tăng số lượng kháng nghị, nâng cao tỷ lệ kháng nghị ngang cấp và tỷ lệ kháng nghị được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận; hạn chế tối đa các trường hợp bản án, quyết định đã được kiểm sát nhưng sau đó bị hủy, sửa mà Viện kiểm sát không phát hiện được vi phạm để kháng nghị; tăng cường kiến nghị với Đảng, cơ quan nhà nước các biện pháp, giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm do bất cập của cơ chế quản lý, chính sách, quy định của pháp luật; tiến hành phúc tra các kiến nghị đã ban hành.
Bốn là, đổi mới công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ
Công tác cán bộ trong năm 2017 cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch cán bộ theo 03 lứa tuổi, tạo nguồn cán bộ kế cận, kế tiếp, quy trình lựa chọn dân chủ, khách quan, bảo đảm chọn đúng người có khả năng phát triển; Người có năng lực lãnh đạo, quản lý có thể xem xét bổ nhiệm ngay, không quá phụ thuộc vào độ tuổi, năm công tác; Thực hiện nghiêm túc việc thi tuyển chức danh tư pháp, bảo đảm bổ nhiệm người có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn; Sắp xếp, điều chuyển, bố trí nhân sự phù hợp với vị trí việc làm, tập trung Kiểm sát viên cho công tác nghiệp vụ; Từng bước tăng cường cán bộ cho các Viện kiểm sát, đơn vị, các lĩnh vực công tác có nhiệm vụ tăng thêm; Kiên quyết thực hiện tinh giản số công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, nhiều năm không hoàn thành nhiệm vụ theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng và quy định của pháp luật.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát trong từng lĩnh vực hoạt động tư pháp, kỹ năng điều tra phù hợp với quy định mới của pháp luật, bám sát thực tiễn công tác; tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết về các lĩnh vực chuyên môn khác cho Kiểm sát viên, công chức có kiến thức tổng hợp nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ.
Năm là, tăng cường năng lực cho Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao để thực hiện tốt thẩm quyền mới theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Nghiên cứu thành lập các đơn vị thường trực Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đặt tại các khu vực để kịp thời thực hiện nhiệm vụ; Tăng cường trách nhiệm trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra các vụ án thuộc thẩm quyền, nhất là các vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Các đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội xâm phạm hoạt động tư pháp xảy ra tại địa phương hoặc trong lĩnh vực công tác của mình phải cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc kiểm tra, xác minh, giải quyết vụ việc.
Sáu là, công tác thanh tra, kiểm tra phải được thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch, tăng cường thanh tra đột xuất và khi thấy cần thiết; Tổ chức đơn vị thanh tra ở tất cả các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Tập trung thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành; Thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời vi phạm, khuyết điểm để có biện pháp phòng ngừa, khắc phục, trường hợp vi phạm nhiều lần, đã được cảnh báo, nhắc nhở vẫn không khắc phục thì xử lý nghiêm.
Bảy là, tập trung đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Ngành; Xây dựng, hoàn thiện các phần mềm và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm tính liên thông, kết nối toàn Ngành, phục vụ hiệu quả, thiết thực công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp; nâng cao chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, giảm bớt thủ tục hành chính.
Tám là, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần hướng về cơ sở. Cơ cấu các danh hiệu thi đua dành 70% cho các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả thi đua bên cạnh các chỉ tiêu Quốc hội giao, cần căn cứ vào đặc thù lĩnh vực công tác, tính chất, quy mô nhiệm vụ giữa những đơn vị ở các khu vực, vùng miền, điều kiện bảo đảm khác nhau… để bảo đảm khách quan, công bằng; Đơn vị có khối lượng công việc lớn, nếu có sai phạm mà nghiêm túc xử lý, khắc phục kịp thời thì vẫn được xem xét thi đua, khen thưởng.
Chín là, trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc và các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với công chức ngành Kiểm sát còn nhiều khó khăn, việc đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm. Trước mắt, cần tập trung tăng cường nguồn lực cho Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, các đơn vị mới được chia tách, chưa có trụ sở hoặc đang gặp nhiều khó khăn để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ mới. Sử dụng tài chính, tài sản công tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật; định kỳ kiểm tra việc sử dụng các nguồn tài chính.
Trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất định có những bước phát triển cao hơn, toàn diện và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, xây dựng nền tư pháp nước ta thực sự “Trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”./.

Lê Minh Trí
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng,
Viện trưởng VKSND tối cao
 
Chú thích:
(1) Các Nghị quyết của Quốc hội số 37/2012/QH13, số 52/2013/QH13, số 63/2013/QH13, số 82/2014/QH13, số 96/2015/QH13, số 111/2015/QH13 về công tác tư pháp, công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
(2) Đình chỉ do bị can không phạm tội giảm 47,8%, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội giảm 62,9%.

Nguồn tin: Kiemsat.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn:

Những tin cũ hơn: